Quy chế chuyên môn 2018-2019
Nội dung quy chế
PHÒNG GD&ĐT CẦN GIUỘC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRƯỜNG TH THỊ TRẤN CẦN GIUỘC            Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số : 54/QC-THTTCG Thị trấn Cần Giuộc, ngày 08 tháng 10 năm 2018.
 
 
QUY CHẾ
Về việc qui định các hoạt động chuyên môn
Năm học 2018 – 2019
 
 
 
 
           Căn cứ Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Quyết định số 04/2008/QĐ-BGD&ĐT, ngày 04/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường Tiểu học;
Căn cứ Quyết định số 14/2007/QĐ-BGD&ĐT, ngày 04/05/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên Tiểu học;
Căn cứ Thông tư số 28/2009/TT-BGD&ĐT, ngày 21/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông;
Căn cứ Thông tư số 22/TT-BGDĐT, ngày 22/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo về sửa đổi bổ sung một số điều quy định đánh giá học sinh tiểu học.
Căn cứ Công văn số 921/PGDĐT-TH, ngày 04/10/2018 của Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Cần Giuôc về Thực hiện một số họat động trọng tâm hằng tháng cấp tiểu học học 2018 – 2019;
Căn cứ tình hình thực tế của nhà trường, Trường Tiểu học Thị trấn Cần Giuộc  xây dựng Quy chế chuyên môn năm học 2018 – 2019, cụ thể như sau:
PHẦN I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
           - Quy chế này quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; chế độ công tác, hội họp, học tập, báo cáo; quy định hồ sơ chuyên môn và chế độ kiểm tra đối với Giáo viên, Nhân viên trong nhà trường;
- Phạm vi áp dụng trong trường Tiểu học Thị trấn Cần Giuộc.
- Đối tượng thực hiện quy chế này bao gồm: Phó Hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, nhân viên thư viện, nhân viên thiết bị, giáo viên - Tổng phụ trách đội và các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn.
 
PHẦN II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
I. ĐỐI VỚI TỔ, NHÓM CHUYÊN MÔN
1. Nhiệm vụ của nhóm, tổ chuyên môn
Thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều lệ trường Tiểu học và có bổ sung các nhiệm vụ sau:
- Xây dựng kế hoạch hoạt động chung của tổ, nhóm (bao gồm cả kế hoạch dạy học, bồi d­ưỡng học sinh năng khiếu về các môn học, phụ đạo HS tiếp thu còn chậm, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, kế hoạch dự giờ thao giảng, hội giảng và thực tập...).
- Thực hiện bồi d­ưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả giảng dạy, giáo dục và quản lý sử dụng sách, thiết bị của các thành viên trong tổ theo kế hoạch của nhà trường; chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục của Tổ được phân công quản lý. Trao đổi rút kinh nghiệm, thống nhất bài soạn, giải bài tập khó, thống nhất nội dung, ph­ương pháp các tiết dạy thao giảng hay dạy thử nghiệm cải tiến ph­ương pháp giảng dạy. Trao đổi về nội dung các tiết kiểm tra, ôn tập, ngoại khoá, triển khai các chuyên đề...
- Tổ chức các tiết dạy thao giảng, thử nghiệm, đánh giá xếp loại các tiết dạy thao giảng.
- Đánh giá đúng trình độ học sinh theo chuẩn kiến thức kĩ năng theo qui định của Bộ; có kế hoạch, biện pháp và tổ chức việc dạy phụ đạo học sinh tiếp thu kiến thức còn chậm và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu về các môn học.
- Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu về chuyên môn. Định kỳ cùng Tổ nghiệp vụ kiểm tra chuyên môn theo kế hoạch hoặc theo yêu cầu riêng của nhà trư­ờng. Các tổ chuyên môn phải có kế hoạch xây dựng các bộ đề kiểm tra có các câu hỏi ở 4 mức độ ở giữa kì, cuối kì I và cuối năm học.
- Tổ chức trao đổi và góp ý các đề tài, sáng kiến khoa học, tổ chức bồi dư­ỡng nâng cao trình độ tổ viên.
- Tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, nhận xét đánh giá đề xuất khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên.
- Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, xếp loại viên chức cuối năm và giới thiệu tổ trưởng, tổ phó.
2. Nhiệm vụ của tổ trưởng chuyên môn
- Chấp hành sự phân công, điều động của Hiệu trưởng, giúp nhà trường hoàn thành nhiệm vụ năm học của tổ, khối mình phụ trách.
- Xây dựng kế hoạch chuyên môn của tổ và tổ chức thực hiện.
- Tham mưu cho BGH về phân công chuyên môn, đảm bảo công bằng về định mức lao động, không có hoặc có rất ít người, không đủ (hoặc thừa) định mức.
- Quản lý các thành viên của tổ, quản lý chuyên môn, kiểm tra đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên. Theo dõi các hoạt động toàn diện của tổ viên.
- Quản lý lao động của tổ, phân công bố trí dạy thay trong tổ. GV nghỉ ốm không hưởng BHXH hoặc nghỉ có việc gia đình tự liên hệ GV dạy giúp và viết đơn xin phép, báo cáo Tổ trưởng, BGH được biết, không tự ý đổi tiết.
          - Phân công giáo viên tổ mình phụ trách báo cáo chuyên đề, thao giảng.
- TTCM có trách nhiệm phân công các thành viên trong tổ kiểm tra hồ sơ sổ sách của GV ít nhất  2 tháng/1lần, khi kiểm tra cần ghi rõ những thiếu sót cụ thể để góp ý;
- Thống kê báo cáo của chuyên môn nhà trường theo định kì và đột xuất.
- Xây dựng tập thể đoàn kết trong tổ, đẩy mạnh phong trào thi đua, hỗ trợ các thành viên trong tổ đạt các danh hiệu thi đua.
- Đánh giá, xếp loại CB, GV theo định kì.
3. Sinh hoạt tổ chuyên môn
- Sinh hoạt định kì theo qui định 2 tuần/lần. Khi tổ chức họp tổ TTCM báo BGH để BGH tham gia dự họp (nếu thấy cần thiết).
- Nội dung tập trung chủ yếu vào việc thực hiện qui chế chuyên môn, tập trung thảo luận phụ đạo HS yếu, HS chậm tiến bộ, bồi dưỡng HS năng khiếu, HS giỏi, đổi mới PP và hình thức dạy học, thực hiện Thông tư 22/2016 và văn bản hợp nhất về quy định về đánh giá xếp loại học sinh tiểu học…, có thể hiện đầy đủ biên bản và hồ sơ sổ sách của tổ, của cá nhân tổ viên. Ngoài ra, có thể họp đột xuất hay có vấn đề bất thường thì TTCM có thể triệu tập các thành viên trong tổ họp tổ nhiều hơn số lần quy định.
4. Hồ sơ sổ sách tổ chuyên môn
Tổ chuyên môn phải có sổ Kế hoạch hoạt động của tổ và biên bản các cuộc họp. Trong đó ghi đầy đủ, súc tích các mặt hoạt động của tổ, nhóm; trọng tâm là các nội dung bàn về đổi mới phương pháp, thực hiện cách đánh giá HS theo Thông tư 22/2016  phải thể hiện rõ và chi tiết. Ý kiến của tổ viên trong tổ cần phải ghi rõ ràng, cụ thể từng nội dung. Ngoài ra, tùy theo yêu cầu có thể có thêm loại sổ khác và các loại hồ sơ khác như các văn bản chỉ đạo của các cấp, hồ sơ kiểm tra nội bộ tổ, hồ sơ theo dõi học sinh nghèo, HS có hoàn cảnh khó khăn, HS khuyết tật …
II. ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN
1. Một số qui định chung
           - Thực hiện tất cả mọi nhiệm vụ do Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, tổ trưởng điều hành.
- Chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của học sinh trong giờ đến trường.
- Nắm chắc nội dung, chương trình SGK, SGV các khối lớp.
- Mỗi giáo viên phải có sách giáo khoa và sách giáo viên, bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức kĩ năng các môn học; Thông tư 22/2016 về đánh giá học sinh tiểu học; điều chỉnh việc dạy và học tại Công văn số 896/BGD&ĐT-GDTH ngày 13/2/2006 của Bộ giáo dục và đào tạo (GV không đưa thêm nội dung ngoài chương trình, SGK tạo nên sự quá tải trong giảng dạy); tài liệu tích hợp nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tài liệu tích hợp nội dung giáo dục kỹ năng sống, phòng chống bom mìn, phòng tránh tai nạn thương tích, môi trường và biển đảo, ứng phó biến đổi khí hậu, tài liệu về văn hóa giao thông trong trường học, ... theo chỉ đạo chuyên môn của Sở GD&ĐT Long An, Phòng GD&ĐT huyện Cần Giuộc.
- Nghiên cứu kĩ bài giảng theo hướng tích cực, lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên là người hướng dẫn, học sinh chủ động nắm kiến thức, tổ chức hình thức gây hứng thú cho học sinh. Trong mỗi tiết dạy, giáo viên cần quan tâm tới từng học sinh trong lớp, giảng dạy theo đúng yêu cầu chuẩn kiến thức kĩ năng đã quy định, sử dụng các phương pháp và hình thức dạy học phù hợp để học sinh được học tập vừa sức và hiệu quả. Thực hiện việc thay đổi chỗ ngồi của học sinh nếu thấy cần thiết; giao tiếp, xưng hô trong trường học đúng quy định.
- Giáo viên không dạy chay, phải sử dụng đồ dùng dạy học lên lớp sẵn có theo yêu cầu của bài dạy, không làm việc riêng, không sử dụng điện thoại trong giờ dạy. Lên lớp đúng giờ, đúng tiết, không tùy tiện tự ý đổi tiết cho nhau khi chưa có sự nhất trí của Ban Giám hiệu, không bỏ lớp học, bỏ tiết dạy, đi muộn về sớm, cắt xén chương trình. Thời gian mỗi tiết dạy đảm bảo trong khoảng 35 phút đến 40 phút.
- Nghiên cứu và sử dụng tốt các thiết bị dạy học, mỗi giáo viên tự làm 1 đồ dùng dạy học có chất lượng/ năm. Mượn, trả các thiết bị dạy học đúng kế hoạch và đầy đủ.
- Quan tâm đặc biệt tới từng đối tượng học sinh yếu kém, học sinh khuyết tật ở trong lớp, đặc biệt là học sinh yếu kém về môn Toán, Tiếng Việt, có kế hoạch và biện pháp cụ thể để giúp đỡ học sinh đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng. Giáo viên chủ nhiệm phải có lưu hồ sơ theo dõi học sinh yếu kém của lớp mình và thường xuyên trao đổi với phụ huynh học sinh. Sau mỗi kỳ kiểm tra cần có sự đối chiếu xem mức độ tiến bộ của học sinh để có biện pháp tiếp tục bồi dưỡng cho phù hợp.
- Giảng dạy, giáo dục đảm bảo chất lượng theo ch­ương trình giáo dục, kế hoạch dạy học; soạn bài, lên lớp, kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh theo đúng quy định; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giảng dạy và giáo dục.
- Giáo viên viết chữ trên bảng lớp, phiếu học tập, trong giáo án phải cố gắng đúng mẫu chữ viết quy định.
- Hướng dẫn học sinh vệ sinh phòng học sạch sẽ, thoáng mát, đủ ánh sáng, không bị viết vẽ bậy lên tường phòng học, bàn học sinh. Trang trí lớp đúng quy định, đảm bảo có cây xanh, đẹp và an toàn. Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh và cộng đồng xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.
- Tham gia tích cực công tác Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi ở địa phương. Nắm bắt thông tin kịp thời, báo cáo chính xác, đúng thời gian quy định của chuyên môn, của trường khi có yêu cầu.
- Giáo viên thường xuyên tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và cải tiến phương pháp giảng dạy, phải có kế hoạch cụ thể việc học tập nâng cao trình độ ngay từ đầu năm học.
- Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng đối tượng học sinh để có biện pháp tổ chức giáo dục phù hợp nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của từng học sinh và của lớp. Có kế hoạch giảng dạy, giáo dục học sinh hòa nhập (đối với các lớp có học sinh khuyết tật).
- Ra đề kiểm tra để tự khảo sát chất lượng HS lớp mình phụ trách, ra đề kiểm tra theo đúng Thông tư 22/2016, đề phải có các câu hỏi ở 4 mức độ khác nhau theo qui định. Coi kiểm tra, chấm bài và nhận xét HS theo đúng Thông tư 22/2016 và văn bản hợp nhất.
- Nhận xét, đánh giá xếp loại học sinh cuối kỳ I và cuối năm học, đề nghị khen thưởng và kỷ luật học sinh đúng Thông tư 22/2016, đề nghị danh sách học sinh lên lớp, danh sách học sinh phải kiểm tra lại, phải rèn luyện thêm trong kì nghỉ hè; thống nhất với các GV chuyên giảng dạy trong khối lớp, hoàn chỉnh việc ghi Bảng Tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục theo định kì và học bạ học sinh theo đúng thời gian qui định.
- Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; được hưởng nguyên lương, phụ cấp và các chế độ khác theo quy định khi được cử đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
- Được h­ưởng mọi quyền lợi về vật chất, tinh thần và được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ theo chế độ, chính sách quy định đối với nhà giáo.
2. Hồ sơ, sổ sách cá nhân: Giáo viên có đầy đủ các loại hồ sơ sổ sách cá nhân theo Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH ngày 07/01/2014 và Công văn số 63/SGDĐT-GDTrH ngày 10/01/2014 V/v chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường, như sau:
- Giáo án giảng dạy
+ GV tự lên kế hoạch dạy học, thống nhất nội dung chương trình và được duyệt của tổ chuyên môn, giáo án được soạn trước 3 ngày, nếu đánh vi tính phải đúng phông chữ và cỡ chữ (có lịch báo giảng trước mỗi tuần và có cột ghi chú để sửa đổi các tiết bù trong tuần, tờ báo giảng có thể in bằng giấy khác màu). Nội dung chương trình bám theo Quyết định 16/2006  của Bộ giáo dục (tổ trưởng lưu ý để lên báo giảng). Soạn bài phần mục tiêu phải bám theo chuẩn kiến thức, kĩ năng do bộ quy định, phần thái độ soạn theo SGV hoặc GD lồng ghép tùy theo thực tế bài dạy và các địa chỉ tích hợp. Soạn theo điều chỉnh việc dạy và học tại Công văn số 896/BGD&ĐT-GDTH ngày 13/2/2006 của Bộ giáo dục và đào tạo đã thống nhất trong năm học 2012 - 2013. Phần bài tập cần làm phải ghi rõ bài tập nào cần làm tại lớp và bài tập nào có thể làm thêm nếu còn thời gian (dành cho đối tượng HS khá giỏi). Hướng dẫn HS hoàn thành nội dung học tại lớp, nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho HS, khuyến khích cho HS để sách, vở, ĐDHT tại lớp theo tinh thần Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT ngày 03/11/2014. Ở phần các hoạt động: Chia 2 phần hoạt động của thầy và hoạt động của trò, có thể phân bố thời gian ở từng hoạt động trong 1 tiết dạy và nên có những ghi chép bổ sung sau từng tiết dạy để rút kinh nghiệm ở năm học sau. Riêng giáo án buổi thứ hai (Toán, Tiếng việt) phải soạn theo phân hóa đối tượng học sinh trong lớp và soạn theo yêu cầu thống nhất của từng tổ chuyên môn (lưu ý có bài tập cho từng đối tượng học sinh trong lớp). GV mới, GV chuyển khối lớp cần lưu ý khi soạn bài phải soạn kĩ hơn. GV có trách nhiệm hướng dẫn HS hoàn thành nội dung học tại lớp, nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho HS, khuyến khích cho HS để sách, vở, ĐDHT tại lớp theo tinh thần Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT ngày 03/11/2014.
+ Động viên, khuyến khích GV đăng kí dạy thường xuyên bằng bài giảng điện tử, khuyến khích dạy bài giảng bảng tương tác. Theo Quyết định 04/2008/QĐ-BGDĐT ngày 4/02/2008: Mỗi GV đăng ký giảng dạy cho đồng nghiệp dự giờ 6 tiết/năm (4 tiết ở HKI và 2 tiết ở HKII, trong đó có 1 hoặc 2 tiết sử dụng phương pháp Bàn tay nặn bột). Mỗi GV dự giờ đồng nghiệp trong hoặc ngoài nhà trường ít nhất 18 tiết/năm. GV đăng kí tiết dạy vào đầu mỗi học kỳ, tổ trưởng chuyên môn tổng hợp và nộp về PHT để BGH sắp xếp thời gian dự giờ, góp ý...
+ Mỗi GV phải  tự làm 1 ĐDDH có chất lượng/năm.
+ Mỗi giáo viên phải có 01 đề tài sáng kiến kinh nghiệm hoặc đề tài nghiên cứu khoa học/năm học; hằng năm được đăng kí vào đầu năm học theo Tổ.
+ Giáo viên phải tự đăng kí nội dung cần bồi dưỡng thường xuyên cụ thể gửi về Tổ CM tổng hợp và nộp về nhà trường để có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng tập trung hơn.
- Bảng Tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục theo định kì:
GV cần đọc kỹ hướng dẫn ghi bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, phải ghi cẩn thận, chính xác, đầy đủ và đúng qui định theo Thông tư 22/2016.
- Sổ chủ nhiệm:
+ Kế hoạch năm, học kì: Ghi rõ Giáo dục đạo đức, hoạt động dạy học, hoạt động khác và các chỉ tiêu đăng ký đầu năm…
+ Kế hoạch tháng: Ghi rõ Giáo dục đạo đức, hoạt động dạy học, hoạt động khác, có sơ kết cụ thể từng tháng.
+ Phần theo dõi rèn luyện và học tập của học sinh, GV cần nhận xét cụ thể và theo dõi số ngày nghỉ của học sinh, GV ghi vào dòng cuối theo học kì và tổng hợp lại để ghi vào học bạ.
+ Cần ghi đầy đủ, chính xác các biểu mẫu, cột mục theo quy định.
- Sổ hội họp: Ghi đầy đủ nội dung các cuộc họp hội đồng, họp chuyên môn, họp tổ chuyên môn 2 lần/ tháng. Ghi thành phần dự họp, người chủ trì cuộc họp và các ý kiến giải trình sao cho rõ ràng.
- Sổ dự giờ: Ghi cụ thể, chi tiết tiến trình tiết dạy; ý‎ kiến nhận xét, đánh giá, ghi điểm và bài học kinh nghiệm sau khi dự tiết dạy. Số tiết dự giờ ít nhất 18 tiết/năm, nên dự ít nhất 3 khối lớp.
- Sổ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tư liệu: Ghi chép lại nội dung, kinh nghiệm các chuyên đề tổ, trường, phòng, sở tổ chức được các đồng nghiệp báo cáo. Ghi các kinh nghiệm tự rút ra trong quá trình dạy, các nội dung trong chuyên san, nội dung tự bồi dưỡng (có thể là bài toán, bài văn, bài viết chữ đẹp, mẹo luật, quy tắc…mà GV cảm thấy hay, quan trọng và cần thiết).
3. Học bạ học sinh: Thực hiện đúng hướng dẫn Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT, có bổ sung các yêu cầu sau:
- Phần lý lịch học sinh phải ghi đúng và đủ tất cả các thông tin theo khai sinh hợp lệ, chữ viết phải chân phương, rõ ràng.
- Phần số đăng bộ phải ghi rõ số và có xuyệt trên năm học (ví dụ: 001/2018 – Số 2018 là số quy ước HS vào trường năm 2018).
- Phần sức khỏe của HS: GVCN liên hệ với nhân viên y tế nhà trường, điền đầy đủ các cột cân nặng, chiều cao….vào đầu năm học hoặc sau khi HS đã được khám sức khỏe.
- Ngày tháng, địa danh ở các trang tương ứng phải ghi đầy đủ và đúng theo thời gian thực hiện. Ví dụ: Ở trang lý lịch đối với HS lớp 1, ghi: Thị trấn Cần Giuộc, ngày 27 tháng 8 năm 2018. Ở cuối năm học đối với tất cả các lớp, ghi: Thị trấn Cần Giuộc, ngày 20 tháng 5 năm 2019.
- Nhận xét, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của HS ghi ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu tương ứng với các môn học và hoạt động giáo dục của cả năm học.
- Phần thành tích nổi bật/những điều khắc phục, giúp đỡ, khen thưởng, GV ghi đúng theo hướng dẫn ghi học bạ.
- Phần đóng dấu trường  là trách nhiệm của văn thư nhà trường, giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm báo với Lãnh đạo nếu Học bạ chưa được giáo vụ đóng dấu giáp lai.
- Việc giao nhận, nộp, hoàn chỉnh các phần ở Học bạ thực hiện theo thông báo của Lãnh đạo nhà trường.
- Giáo viên bộ môn phải thực hiện ghi điểm và đánh giá môn mình phụ trách. Cập nhật điểm đầy đủ, chính xác, thống nhất lời nhận xét để GVCN ghi đúng về các mặt đánh giá học sinh vào cuối năm học.
Đối với các trường hợp cần chỉnh sửa giáo viên phải tuân theo hướng dẫn và phải có xác nhận theo quy định, thực hiện theo Công văn số 733/SGDĐT-GDTrH ngày 11/5/2009 V/v hướng dẫn thực hiện quy định cách ghi và sửa chữa nội dung trong sổ gọi tên ghi điểm và học bạ.
4. Kiểm tra, chấm bài và ghi điểm
- Số lần kiểm tra ít nhất cho từng môn học theo quy định về đánh giá xếp loại học sinh ban hành kèm theo TT 22/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Bài kiểm tra phải chấm cẩn thận, sửa chữa sai sót, nhận xét cụ thể và phát về cho học sinh;  giáo viên ghi điểm chân phương, rõ ràng.
- Kết quả học tập của học sinh đ­ược giáo viên nhận xét đánh giá theo định kì vào Bảng Tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục theo định kì và thực hiện đánh giá công bằng, chính xác.
- Học sinh nào không dự được kiểm tra thì giáo viên báo cáo về nhà trường và bố trí cho học sinh kiểm tra bù. Nghiêm cấm việc cấy điểm cho học sinh.
- Kiểm tra vở ghi bài, vở bài tập thường xuyên, hàng ngày để đánh giá được tinh thần thái độ học tập của học sinh và có biện pháp hỗ trợ giúp đỡ học sinh (nếu cần).
III. THƯ VIỆN VÀ THIẾT BỊ
Thư viện và thiết bị là nơi lưu trữ tài liệu tra cứu, sách giáo khoa, sách tham khảo, báo chí và các thiết bị đồ dung dạy học v.v… để phục vụ cho việc dạy và học của CB-GV-NV và học sinh trong nhà trường.
Nhận viên thư viện, thiết bị hàng tháng lập kế hoạch tham mưu cho Hiệu trưởng theo quy định, mua sắm thiết bị cho thư viện theo đề nghị của tổ chuyên môn đề xuất. Thực hiện tốt nghiệp vụ thư viện như nhập kho, phân loại, cho mượn, quản lí, giới thiệu sách báo, thiết bị ... Sắp xếp, bố trí, trưng bày sách – thiết bị trong thư viện một cách khoa học, có tính thẩm mỹ cao, hạn chế hư hỏng, có kế hoạch bảo quản, kéo dài tuổi thọ các vật dụng, đồ dùng hiện có trong thư viện, thiết bị. Ghi chép, cấp phát, thu nhận khi nhập và xuất sách – truyện – thiết bị, đồ dùng ... cho giáo viên và học sinh. Xây dựng kế hoạch thư viện mở, tham mưu đề xuất các cộng tác viên thư viện phù hợp và tổ chức phục vụ bạn đọc đảm bảo theo yêu cầu của thư viện tiên tiến.
IV. CÔNG TÁC KIỂM TRA CHUYÊN MÔN
1. Kiểm tra đột xuất hoạt động dạy và học của GV và HS, kiểm tra hồ sơ sổ sách đột xuất.
2. Dự giờ giáo viên, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra việc sinh hoạt tổ chuyên môn có hoặc không có báo trước.
            3. Kiểm tra chuyên đề giáo viên, Tổ chuyên môn có báo trước.
4. Kiểm tra  hồ sơ sổ sách giáo viên ít nhất 2 lần/năm học; tổ chuyên môn ít nhất 2 lần/ học kì.
    5. Dự giờ GVG trường 2 tiết/1 GV. GV được công nhận GV dạy giỏi cấp trường nếu đạt vòng lí thuyết và tiết tự chọn phải đạt loại tốt, tiết bắt buộc có thể loại khá trở lên. GV không được công nhận GV dạy giỏi cấp trường nếu không đạt vòng lí thuyết hoặc nếu đạt vòng lí thuyết nhưng các tiết thực hành không đạt yêu cầu nêu trên.
             V.  CÁC PHONG TRÀO THI ĐUA TRONG NĂM HỌC
     1. Thi an toàn giao thông cấp trường, huyện, tỉnh, quốc gia;
                 2. Thi Hội khỏe Phù Đổng cấp trường, huyện, tỉnh, quốc gia;
     3. Thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Bộ; bình chọn GVCN giỏi cấp trường, thi GVCN giỏi cấp huyện;
                 4. Thi giao lưu các hoạt động do ngành tổ chức;
                 5. Viết và áp dụng sáng kiến cấp trường, cấp huyện, tỉnh, cấp Bộ;
6. Thi “Vở sạch, chữ đẹp” của HS cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh;
                 7. Thi tự làm đồ dùng dạy học cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh;
            8. Thi soạn bài giảng bảng tương tác cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh;
VI. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA PHÓ HIỆU TRƯỞNG CHUYÊN MÔN
1. Tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông theo đúng quyết định 16/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
2. Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học và đánh giá xếp loại các môn học ở tiểu học theo Thông tư 22/2016/TT-BGD&ĐT ngày 22/9/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Lập kế hoạch chuyên môn và các kế hoạch khác, xây dựng quy chế chuyên môn, phê duyệt và kiểm tra hồ sơ của chuyên môn, báo cáo, đánh giá theo quy định.
4. Phân công thời khoá biểu, sắp xếp các buổi dạy.
5. Hướng dẫn Tổ chuyên môn ra đề kiểm tra định kì theo quy định. Tổ chức duyệt đề kiểm tra theo định kì: giữa kì, cuối học kì I và cuối năm học.
6. Dự giờ kiểm tra, tham gia đánh giá xếp loại giáo viên cuối năm học.
- BGH kiểm tra chuyên đề giáo viên 1 lần/năm;  
- Kiểm tra hồ sơ giáo viên đột xuất 2 lần/1 năm học.
- BGH trực tiếp kiểm tra vở học sinh theo lịch riêng.
          7. Chỉ đạo các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp của học sinh.
          8. Tham mưu với Hiệu trưởng để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục, các Hội thi do ngành phát động, có kế hoạch bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên. Tham gia đánh giá chuẩn nghề nghiệp GV tiểu học, xếp loại thi đua, xếp loại viên chức.
VII. QUY ĐỊNH VỀ KHEN THƯỞNG VÀ KỈ LUẬT
1. Khen thưởng
a) Giáo viên
- Đề nghị khen thưởng cho giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi các cấp huyện trở lên.
- Đề nghị khen thưởng cho giáo viên bồi dưỡng học sinh có giải cấp huyện, tỉnh.
b) Học sinh
- Thưởng cho học sinh có thành tích cao trong học tập.
- Lớp đạt danh hiệu lớp xuất sắc được cộng điểm thi đua.
- Khen thưởng: Thực hiện theo Thông tư 22/2016/TT-BGD&ĐT.
2. Kỷ luật
a) Đối với các tr­ường hợp lí do không chính đáng: Nhắc nhở (nếu vẫn tái phạm, từ  lần thứ 2 trở lên sẽ đưa vào xét thi đua)
- Đi muộn 5 phút (giờ học) đối với giáo viên có tiết dạy trên lớp.
- Vào lớp muộn 5 phút sau giờ ra chơi.
- Làm việc riêng trong lớp hoặc tự đổi tiết không báo BGH.          .
b) Đối với những trường hợp vi phạm sau: nếu vi phạm 1 lần sẽ trừ điểm  thi đua
- Bỏ 1 tiết trong ch­ương trình;
- Bỏ lớp làm việc riêng;
- Chấm chữa  bài không đúng quy định.
+ Bảng Tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục theo định kì, học bạ chưa đúng quy chế quá 5 tr­ường hợp. (thay sổ)
+ Một lần không chấp hành (hoặc từ chối) sự phân công nhiệm vụ hoặc nghỉ không lí do.
+ Sửa điểm không đúng quy định.
c) Đối với những trường hợp vi phạm khác
Đến lớp không soạn bài đầy đủ:
- Lần 1: Nhắc nhở.
- Lần 2: Lập biên bản vi phạm quy chế chuyên môn.
Trên đây là quy chế chuyên môn năm học 2018 – 2019 của trường Tiểu học Thị trấn Cần Giuộc, các tổ chuyên môn nghiên cứu xây dựng kế hoạch Tổ và triển khai đến giáo viên, nhân viên trong Tổ để thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học đề ra./.
 
Nơi nhận:
- HT, PHT;
- Các Tổ trưởng CM;
- Lưu VT. CM.
  HIỆU TRƯỞNG
2018 © Trường Tiểu học Thị trấn Cần Giuộc
Địa chỉ: Cần Giuộc - Long An
Thiết kế bởi VNPT Long An